Đàn ông được quyền thất bại, còn phụ nữ thì không?
0h ngày 01.07.2025 – Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới. Lịch sử đang được viết lại. Một kỷ nguyên mới, nơi trí tuệ, ước mơ, và khát vọng phát triển trở thành trung tâm của mọi chuyển hóa.
Nhưng có một câu hỏi nhỏ – mà sắc như lưỡi dao:
Ai là người được kiến tạo? Nam hay nữ?
Ai sẽ được lắng nghe nhiều hơn, quyết định nhiều hơn, và được tin tưởng nhiều hơn?
Định kiến giới – Khi phụ nữ vẫn chưa được thật sự chọn vai
Trong văn hóa Việt Nam, “trọng nam khinh nữ” không chỉ còn tồn tại trong những cuộc hôn nhân sắp đặt hay lựa chọn nghèo đến. Nó len lỏi trong mọi ngóc ngách của đời sống thường nhật:
Khi bé trai được dạy là phải “làm chủ”, còn bé gái được khuyên là “phải ngoan, nhịn nhường”.
Khi đàn ông thất nghiệp và sống cùng mẹ vẫn được xem là người con có hiếu, còn phụ nữ độc lập tài chính mà chưa lập gia đình thì bị xem là “không ra gì”.
Khi nơi công sở, nam giới phản biện được xem là bản lĩnh, còn nữ giới thì dễ bị đánh giá là “cứng đầu”, “hỗn hào”.
Là một người phụ nữ, là người từng đứng giữa nhiều ngã rẽ nghề nghiệp, mình thấm thía điều này: Trong một xã hội tưởng đã hiện đại, định kiến giới vẫn là thứ sợi dây mềm mại nhưng dai dẳng, níu chân không ít người – nhất là phụ nữ – khi họ muốn bước lên sân khấu chính của cuộc đời mình.
Khi phụ nữ không chỉ làm hậu phương
Mình từng chứng kiến nhiều bạn nữ – thông minh, sắc sảo, đầy nội lực – nhưng luôn cảm thấy mình phải "khiêm tốn", phải "dễ thương", phải "nhẹ nhàng" đúng kiểu phụ nữ Á Đông.
Một người bạn học tiến sĩ ở nước ngoài, sau bao năm về nước mở công ty riêng, vẫn nhận được những câu chúc "Chúc em sớm yên bề gia thất" trong ngày ra mắt sản phẩm đầu tiên.
Một chị đồng nghiệp giỏi chuyên môn, được đề bạt vào vị trí quản lý, nhưng rồi rút lui vì... "em sợ người ta bảo em tham quyền, không lo chồng con".
Đó không phải là chuyện hiếm. Và mình từng hỏi: Tại sao với đàn ông, người ta dễ dàng gọi họ là "người kiến tạo giá trị", còn với phụ nữ, họ vẫn bị nhốt trong vai trò "người giữ lửa hậu phương"?
Donald Super và lý thuyết phát triển nghề nghiệp theo vòng đời
Donald E. Super – nhà tâm lý học nghề nghiệp người Mỹ – là người đề xuất mô hình:
"Career Development as a Life-Span, Life-Space" (1953).
Theo Super, phát triển nghề nghiệp là một quá trình xuyên suốt cuộc đời, không chỉ xoay quanh việc đi làm, mà bao gồm cả những vai trò mà con người đảm nhận trong từng giai đoạn sống:
Khám phá – Thiết lập – Duy trì – Suy tàn – Nghỉ hưu.
Super cũng nhấn mạnh rằng một con người luôn sống với đa vai trò:
Con – Cha/Mẹ – Người lao động – Công dân – Người học – Người tiêu dùng – Người lãnh đạo...
Nhưng thực tế, xã hội đã trao bao nhiêu vai trò đó cho phụ nữ?
Họ chỉ được kỳ vọng là vợ ngoan, mẹ tốt, con dâu hiền.
Các vai còn lại – như người lao động có hoài bão, người lãnh đạo, người sáng tạo… – thường bị xem là "xa xỉ phẩm" nếu không đi kèm trọn vẹn thiên chức gia đình.
Họ bị loại khỏi vị trí người lao động chủ động, người lãnh đạo, người kiến tạo giá trị.
Và rất nhiều khi, ngay cả quyền chọn nghề cũng không thuộc về họ.
Mình từng tham gia một buổi huấn luyện nghề nghiệp, khi chia sẻ mô hình này, có một chị học viên bật khóc: “Em chưa bao giờ nghĩ mình được quyền lựa chọn. Em chỉ sống theo vai mà người khác chọn cho mình.”
Tôi có quyền là người kiến tạo
Nếu xã hội vẫn chỉ xem phụ nữ là “hậu phương” để hỗ trợ cho một ai đó, thì ai sẽ được đặt ở trung tâm kiến tạo tương lai?
Phụ nữ có quyền được lựa chọn xuất hiện – để lãnh đạo, sáng tạo, đóng góp và tỏa sáng.
Nhưng sự khai phóng đó không tự đến.
Nó đòi hỏi tỉnh thức, hoài nghi, dũng khí chọn vai, và bản lĩnh giữ vai.
Phát triển nghề nghiệp là quyền lựa chọn – không phải định mệnh
Trước khi làm coach, mình cũng từng là một nhân viên văn phòng – sống đúng bài bản, cố gắng theo những khuôn mẫu mình tưởng là đúng.
Cho đến một ngày, mình hỏi: "Nếu mình không đi làm vì tiền – thì mình muốn làm gì?"
Câu hỏi ấy dẫn mình đến hướng nghiệp.
Rồi từ hướng nghiệp – đến khai vấn nghề nghiệp – rồi đến giáo dục cảm xúc xã hội (SEE Learning).
Mình nhận ra, phụ nữ rất cần một không gian được lắng nghe mà không bị phán xét.
Cần ai đó gợi cho họ nhớ: bạn không chỉ là vợ, là mẹ – bạn còn là chính mình.
Và mình bắt đầu hành trình đó – không phải để dạy, mà để cùng soi chiếu và đồng hành.
Khi mình học chương trình SEE Learning của Emory University – biểu tượng 3 phần của chương trình là:
Não bộ – tư duy
Trái tim – cảm xúc
Bàn tay – hành động
Mình càng thấm thía:
Thái độ – Hành vi – Tư duy mới là cốt lõi để hình thành năng lực nghề nghiệp bền vững.
Đó là một phần thái độ – phần mà trong mô hình ASK (Attitude – Skills – Knowledge) chiếm đến 70% hiệu quả công việc, nhưng ít được dạy bài bản.
Mình từng là HR. Mình biết: tuyển sai người vì không nhìn ra thái độ – cái giá luôn rất đắt.
Không ai có quyền quyết định mình chỉ được làm ai. Và mình cũng không cần chờ ai cho phép để được làm chính mình.
Và mình tin: Phụ nữ càng cần điều đó – được trở về với mình, được hiểu mình, và được chọn vai trò mình muốn sống.
Bạn muốn trở thành ai trong kỷ nguyên mới?
Phụ nữ không chỉ là hậu phương. Mình là người kiến tạo.
Và đó cũng là lý do mình chọn trở thành một Career Coach – người đồng hành cùng phụ nữ, thế hệ trẻ và người đi làm để khai phá lựa chọn nội tâm, thiết kế hành trình sự nghiệp và giữ vững giá trị của mình trong mọi vai trò sống.
Ngay trong thời khắc lịch sử này – bạn có thể chọn lại chính mình.
Không sống trong chiếc khung ai đó vẽ ra, mà là tự tay cầm cọ vẽ cuộc đời.
Bạn muốn xuất hiện như ai trong kỷ nguyên mới?
Bạn muốn con gái mình lớn lên trong một xã hội như thế nào?
Nếu trái tim bạn gật đầu, hãy chia sẻ bài viết này như một lời cam kết:
Chúng ta – những người phụ nữ tỉnh thức – sẽ không chỉ mơ mộng, mà bắt đầu hành động.
#camtuhuongnghiep #huongnghiep #womenatwork #camtucareercoach